Lê Vân - Yêu Và Sống

Chương 15: Tôi là tôi, là đàn bà 2



Trong đời tôi, không có gì làm tôi sợ hãi bằng tình yêu. Chỉ có người nào yêu thật mới biết đến cái nỗi sợ này.

Tình yêu làm tôi rã rời cả thể xác lẫn tinh thần. Nó thiêu rụi tất cả. Tôi không phải loại người dễ yêu, nhưng khi đã yêu là yêu cuồng nhiệt, yêu đến phủ nhận mình, dâng hiến tất cả. Có lẽ bởi vậy, tôi được tha thứ cho những tội lỗi tôi đã gây ra cho người yêu mình chăng?

Với cả ba người đàn ông tôi yêu, chưa bao giờ tôi cho đó là nhẹ dạ, mù quáng hay đứng núi này trông núi nọ. Họ đều là những người đàn ông đáng vì nể, đáng trân trọng ở những khía cạnh khác nhau. Và trên hết, với tôi, họ đều là những người tình tuyệt vời. Đương nhiên, đôi lúc gặp lại cũng thấy rưng rưng, nhưng biết làm sao được. Tôi phải chọn lựa. Và khi đã chọn nghĩa là phải chịu mất mát và đau đớn.

Tôi không thể cùng lúc sống với nhiều mối tình. Không thể ôm tất cả. Tôi vô cùng biết ơn những người tình đã đi qua cuộc đời mình…

Với tình yêu, tôi thường đứng trước ban thờ thầm thì thú nhận tội lỗi tày trời của mình và khấn (chắc hẳn là có ít nhiều bao biện): “Lạy trời, lạy phật, lạy tổ, lạy tiên, lạy ông, lạy bà, lạy bác, lạy anh, lạy các vong hồn linh thiêng. Xin các đấng linh thiêng hãy trừng phạt con. Con là kẻ mù lòa tội lỗi. Con sẵn sàng đón chịu tất cả những trái đắng do mình gây ra. Nhưng tại trời cứ tạo ra những hoàn cảnh để con phải chết trong tình yêu mà không làm sao chống đỡ nổi. Con có tội, nhưng bản chất tình yêu không có tội. Nếu con có lao đến cái tình yêu ấy thì con sai, con không biết phải trái, nhưng tình yêu là vô tội,, Trong lúc khấn tôi còn chất vấn “lý sự” cả với các đấng linh thiêng như vậy. Có phải không nhỉ? Bởi tình yêu là rất đẹp, là kỳ diệu. Nó vô tội. Nó đưa đẩy con người ta. Cái tình yêu kêu gọi người ta thì không có tội. Chỉ có những con người không đạt được tình yêu, sinh độc ác thù hằn, mới là có tội Có mấy ai trong cuộc đời chỉ yêu một lần là lấy được nhau ngay? Có mấy ai yêu nhau được đến tận đầu bạc răng long? Cho nên, khi đã có tình yêu, là không thể dừng được. Nó như có một thế lực nào đó xui khiến. Đương nhiên là người ta cần có lý trí, nhưng chả lẽ tình yêu lại phải dùng lý trí để kiểm soát, để dừng lại ư? Cứ giả định như có thể dùng lý trí để phân tích, kiểm soát và buộc người đang yêu trả lời có nên yêu hay không, thì còn gì là tình yêu nữa! Đó là sự tính toán. Với tình yêu, tôi không phải loại người có thể yêu một cách dễ dàng, dễ động lòng trước những lời đường mật nịnh đầm hay những lời khen sáo rỗng. Cái thứ tình yêu đến với tôi, nó cứ đến mặc dù tôi sợ nó. Thậm chí, tôi cũng đã dùng lý trí tỉnh táo để can thiệp nhưng không thể nào kiềm chế được, thế nghĩa là mình đã yêu rồi! Nếu không yêu thì làm sao mà bị “sa ngã”? Thế là bước sang một mối tình mới. Và tôi trở thành kẻ phản bội lại mối tình cũ, người tình cũ.

Như người đời nói, khi phản bội một tình yêu nghĩa là mình có tội, thôi thì mình đành nhận cái tội ấy. Nhưng từ sâu thẳm trong trái tim người đang yêu vẫn thấy dường như mình bị oan khuất, rất khó giải thích. Có lẽ, chỉ với những ai đã từng yêu, đã có những khoảnh khắc phải đấu tranh giữa nên hay không nên yêu, mới hiểu. Lúc đó, tình cảm đó rất con người chứ không phải dùng lý trí là được. Đến tận bây giờ, những người mà tôi đã yêu, đã phản bội đều tha thứ cho tôi và nói rằng chẳng bao giờ oán trách tôi. Yêu thực lòng thì không còn chỗ cho sự oán hận, bởi bản chất của tình yêu là tha thứ, là dâng hiến.

Nhưng dù có bao biện thế nào đi nữa, tôi vẫn tự nhận thấy tôi là kẻ đã phản bội tình yêu. Bởi thực tế là như thế, đang yêu người này bỗng nhiên không yêu nữa và chuyển sang yêu người khác, thế không là phản bội ư? Đúng, tôi đã phản bội lại những người đàn ông yêu thương tôi, nhưng chắc chắn là tôi không phản bội lại trái tim mình. Sau khi thú tội phản bội, tôi phải nghe Người ấy thốt lên trong cơn giận dữ đau đớn: “Em là một con rắn độc?”. Sau đó, Người ấy có xin lỗi Nhưng tôi vẫn băn khoăn, liệu có đúng mình là rắn độc không?

Ngoảnh nhìn lại, trải qua ba mối tình, hai lần kết hôn, hai lần ký giấy ly hôn, nhưng tôi vẫn chưa hề một lần được xỏ tay vào tấm áo cưới trắng trong. Thật là “kinh khủng” cho cái cuộc đời trớ trêu của mình! Đến tận giờ, tôi cũng chẳng dám mơ đến chuyện được mặc áo cưới. Thậm chí, hiện tại nhìn vào thì thấy, tôi có hai đứa con trai kháu khỉnh, yên ổn ở nhà chăm sóc nhà cửa con cái như một người vợ đúng nghĩa, vậy mà đâu đã được là một người vợ chính thức! Có ba cuộc tình thì cả ba đều do tôi tự lao đầu vào với những người đàn ông đang có gia đình vợ con đầm ấm. Kỳ lạ làm sao cái cuộc đời tôi! Không ít người cầu hôn mà chẳng hề được mặc áo cưới, chẳng được lên xe hoa, chẳng được đón dâu. Thương quá phải không? Tự mình cũng thấy thương mình. Nhưng sẽ chẳng bao giờ tôi muốn thổ lộ: “Anh ơi, bao giờ chúng mình có thể chính thức trên giấy tờ là vợ chồng của nhau để tổ chức một bữa tiệc như là đám cưới?”. Có một cái gì đó cứ ngăn mình lại. Tôi có quan niệm về tình yêu và hôn nhân rất rõ ràng, nghiêm túc, đúng mức và tôi cho rằng tôi quan niệm đúng.

Cái sự ràng buộc với nhau bởi đăng ký kết hôn thực chất chỉ là thủ tục. Không có cách gì giữ được trái tim nếu không còn yêu nhau nữa. Tờ giấy phỏng còn có ý nghĩa gì? Xét đến tận cùng bản chất, sự “cộng sinh” giữa người đàn ông và người đàn bà trong đời thực và giữa hai vợ chồng trên giấy tờ, cái nào có giá trị hơn? Quan trọng là anh có làm mới được anh để cho tôi luôn yêu anh hay không? Còn tình yêu nghĩa là còn chúng ta. May sao, sau gần chục năm trời có nhau, bố hai đứa trẻ càng ngày càng chu đáo, tận tình chăm sóc mấy mẹ con tôi hơn. Và hạnh phúc của tôi là thứ hạnh phúc bền vững như tôi mơ ước. Chính hoàn cảnh xa xa gần gần như thế, với những khoảng cách về không gian thời gian như thế, lại là nguồn năng lượng nuôi dưỡng tình yêu. Xa thì háo hức, gần thì đầy đặn… (Hình như có nhiều người đàn bà cũng mong ước có một cuộc sống xa xa gần gần… như tôi hiện nay).

Tuy nhiên, để có được niềm tin vào bản thân và tình yêu như vậy, chúng tôi cũng đã từng phải trải qua bao nỗi đau mất mát của cái sự chưa chính danh. Vào thời điểm tôi còn đang lùng nhùng là gái có chồng vụng trộm gặp gỡ Abraham, cứ vội vội vàng vàng, nhanh chóng đến một giờ khắc nào đấy là phải về nhà không sẽ bị nghi ngờ. Một lần, anh buột miệng than: “Anh là ai mà không thể giữ em ở lại?”. Chỉ vậy thôi mà tôi bỗng nổi đóa lên: “Thế em là ai? Em đã là ai chưa? Chính em cũng chẳng biết em là ai. Còn anh thì sao? Những lúc anh kể về cái “my house, my family” xa xôi đâu đó của anh thì em là cái gì? Em có bao giờ hỏi anh thế đâu mà anh lại hỏi em thế!”. Anh như hóa đá, biết đã lỡ phạm vào “vùng nhạy cảm” nhất trong cơ thể tình yêu, lặng lẽ để tôi ra về. Sau hôm ấy, chúng tôi, những người yêu nhau không còn trẻ nữa, cảm thấy như mình già thêm hàng chục tuổi.

***

Hiện tại, hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy giá trị to lớn của sự thanh thản trong đời sống tâm hồn. Một vài năm sau khi sinh con, cuối cùng tôi cũng đã tĩnh tâm để đi đến chỗ hàn gắn kịp thời mối quan hệ rạn nứt giữa tôi và những người ruột thịt. Làm sao có thể sống được với một khối độc tố như thế trong người. Phải trút ra, lấy ra hết thì mới sống lại được. Tôi mừng vô cùng vì đã cải thiện được mối quan hệ này, tình cảm giữa con người với con người trong nội bộ gia đình trở nên lắng dịu hơn, an bài hơn.

Về kinh tế, chính lúc chưa có con cái gì, song song với làm nghệ thuật, tôi đã nghĩ đến chuyện củng cố kinh tế gia đình. Tôi đi vay tiền ngân hàng để xây nhà cho thuê. Thực tế, có người vì miếng ăn mà làm bậy và nhiều người khác cũng vì miếng ăn mà chịu nhục. Tôi không phải chờ người ta tăng lương cho mình. Chẳng chờ được ban phát bổng lộc đi nước ngoài. Người ta mời tôi đi vì đương nhiên tôi ở vị trí xứng đáng để đi. Với cuộc sống do chính bàn tay lao động của mình làm nên, tôi đã giải tỏa được những ham muốn bình thường nhất nhưng vô cùng quan trọng: tự mình nuôi được mình, vượt thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của cơ chế.

Nghĩa là tôi tự “cởi trói” cho tôi. Tôi đã “tự cứu mình trước khi trời cứu”, theo lời hiệu triệu của vị chính khách có công mở cửa cho luồng gió đổi mới tràn vào cách đây hai chục năm. Tôi biết, mình may mắn hơn bao nhiêu người khác vẫn phải sống trong “vòng kim cô” khốn khó của cơ chế. Vẫn phải giả vờ, lấy lòng, khép nép, nịnh bợ. Còn tôi, tôi tự giải phóng mình, đem lại tự do làm người cho mình như đúng bản chất mình được sinh ra, như mình có. Tất cả đều tự mình vươn lên, tự mình mang lại cho mình.

Về sự nghiệp, tôi cũng không phải xấu hổ với mấy chục năm lao động nghệ thuật, tuy không là cái gì ghê gớm, nhưng ít nhất tôi cũng đã làm hết sức, hết tấm lòng của mình rồi, được đến đâu là do tài năng của mình chỉ đến thế thôi. Do luôn ở vị trí diễn viên sô-lít của cả hai lĩnh vực múa và điện ảnh, nên lúc nào tôi cũng có việc làm. Bên này mời xong lại đến bên kia. Đi công tác về lại đã thấy công việc chờ ở nhà.

Bắt đầu thấy nhàm chán công việc trên sàn múa, lại có lời mời đi đóng phim, lại được thay đổi không khí sáng tạo, được thoát khỏi trạng thái ao tù nước đọng. Rất may, tôi tranh thủ làm cả hai lĩnh vực, nuôi dưỡng sự say mê chọ mình để không bị bào mòn, không bị chán nản. Việc đến thì cứ hối hả làm, tuy nhiên, không vì thế mà lao vào nghệ thuật một cách u mê, không tỉnh táo. Bởi tôi không quên lời dặn khi mới vào đời: “Trái tim nóng phải có cái đầu lạnh”.

Về đường con cái, cho đến lúc này, tôi là một người mẹ hạnh phúc vì sinh hạ được hai cậu con trai bởi tình yêu và sự tự nguyện của cả cha và mẹ. Hai tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu thành công nhất của đời tôi. Đương nhiên, người mẹ nào cũng nói như thế, cũng ngưỡng mộ con mình và cảm ơn tạo hóa đã tặng người đàn bà cái khả năng tạo ra được một con người nhỏ bé khác. Đó là điều phi thường, là phép màu của đời sống. Nhưng với tôi, sự sinh nở còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn thế. Nhớ lại giai đoạn tôi đã bốn mươi tuổi mà vẫn chưa có con, không ít người suy diễn: “Bà này nói vì nghệ thuật chỉ là để che đậy thôi, chắc là không sinh được nên ra vẻ thế. Đàn bà chẳng ai dám để đến năm bốn mươi tuổi mới nghĩ đến chuyện con cái…” Cái dư luận âm thầm về đường con cái của tôi như thế đấy! May làm sao, như cầu được ước thấy, tôi vẫn kịp sinh được mẹ tròn con vuông. Mà lại còn được một bé trai xinh ơi là xinh. Đến năm bốn ba tuổi, lại được thêm một bé trai nữa. Đúng là Trời thương. Chính cái điều trời cho này làm mọi người quên đi, không cần phải hỏi rằng: tôi đã chính thức lấy chồng hay chưa, quan hệ ra làm sao! Tại sao không làm đám cưới? Không mời bạn bè?

Họ quên hết tất cả những thủ tục đương nhiên như xã hội qui định. Và một khi thái độ của tôi là chấp nhận thực tế, tự tôi sinh ra hai đứa con của tôi, không có gì giá trị với tôi hơn thế thì tại sao tôi lại phải quan tâm đến dư luận! Rất may là bây giờ, người ta công nhận quyền hợp pháp cho người phụ nữ có con ngoài giá thú và có quyền khai bố đẻ hoặc không. Không ai bẳt mình chìa cái giấy đăng ký kết hôn ra, họ chỉ cần người bố ký vào phần tên cha trong giấy khai sinh của con là được. Đứa bé phải được quyền khai sinh. Xã hội đã cởi mở hơn, thông cảm hơn với người đàn bà có con ngoài giá thú.

Được gọi là nghệ sĩ, nhưng tôi không phải là người thiết tha với nghiệp diễn. Có nhiều vai diễn người khác mơ ước không được, nhưng nếu đoàn phim không điều chỉnh được thời gian thì tôi cũng thôi luôn. Bởi trước khi là nghệ sĩ, tôi muốn phải được làm đàn bà đã. Đôi khi, người nghệ sĩ và người đàn bà có những mâu thuẫn xung đột, nhưng với tôi, cái khát vọng làm đàn bà còn cao hơn cả cái khát vọng nghệ thuật kia.

Tôi luôn nghĩ, đời nghệ sĩ chỉ là kiếp phù du, sớm nở tối tàn Nó không mang lại hạnh phúc, thậm chí ngược lại, nếu ta cứ lao theo ánh hào quang ấy… Cái đáng quí nhất của người đàn bà là đời sống gia đình, cách cư xử với chồng con.

Những thứ kia chỉ là cái bên ngoài. Diễn viên chỉ có những năm tháng nhất định nào đó, nếu cứ ôm mãi cái mộng ấy, đuổi theo nó, làm sao ta có thời gian dành cho một cuộc sống bình thường của một con người bình thường. Cái đam mê danh lợi ấy chắc chắn sẽ mâu thuẫn, xung đột với khao khát được làm thiên chức của người phụ nữ. Đàn bà thì phải là đàn bà chứ không phải là làm được những việc của đàn ông. Thế mà tôi toàn phải làm những việc của đàn ông! Tôi thèm được là người đàn bà bình thường lắm. Ngay cả những lúc nổi tiếng, tôi cũng là một người hết sức bình thường, giản dị, hòa đồng với mọi người. Trong tâm can lúc nào cũng chỉ muốn làm một người vợ đúng nghĩa: hiền hậu, hết lòng với gia đình chồng con. Đó là những phẩm chất của phụ nữ Á đông mà tôi đã “bị ngấm” từ khi nào không rõ. Tôi mong ước lấy được một người chồng đủ sức gánh vác gia đình, cho tôi đỡ đi gánh nặng bươn chải với đời.

Vâng, sau những thất bại đau đớn, cuối cùng, tôi đã tìm thấy một người đàn ông đích thực đúng như tôi mường tượng. Một người đàn ông của gia đình. Anh là trụ cột, là biểu tượng cho sự mạnh mẽ đầy bản lĩnh, gánh vác được chuyện lớn, là chỗ dựa tin cậy. Tất nhiên, bao trùm lên là một tình yêu lớn anh dành cho vợ con và gia đình. Khi tôi đã tìm được đúng người đàn ông như thế, nghĩa là anh đã trả lại cho tôi cái thiên chức đàn bà của tôi. Ngàn lần tôi muốn nói lời cảm ơn người đàn ông của tôi. Nhờ anh, tôi được hưởng cái nghĩa đích thực, niềm hạnh phúc thuần khiết của một người phụ nữ bình thường là được làm Vợ, làm Mẹ.

Tôi như con thuyền nhỏ đã tìm thấy một bến đỗ bình yên, một cái vịnh nhỏ thôi nhưng thanh bình lặng gió. Lòng dặn lòng, từ đây trở đi sẽ ổn định dần, an bài dần. Chỉ có điều, sau này, nếu phải sống nơi đất khách quê người, tâm hồn mình có trở lại cái cảm giác cô liêu hay trống vắng không, nó sẽ biến đổi ra sao? Nó còn đòi hỏi những gì nữa? Tôi và anh có đi được với nhau cho đến hết cuộc đời này không hay lại ngả sang hướng khác? Chính tôi cũng không thể nào biết trước được.

Chỉ biết chắc chắn một điều: tôi đã trả lời được câu hỏi thủa ấu thơ của cô bé Vân tội nghiệp: “Vân ơi, Vân là ai?”

Tôi là tôi, là đàn bà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện