Thiên Kiều - Đổng Vô Uyên

Chương 2: 2: Dịch Thành Thượng





Trường Đình nói rất tùy ý, Bách Tước chỉ rũ mắt gật đầu thấp giọng đáp “Đúng vậy”, cũng cực kỳ tùy ý.
Phù thị là Tề Quốc Công phu nhân, là người mẹ danh chính ngôn thuận của Trường Đình.

Sau khi bà ta qua đời bài vị sẽ được đặt bên người Lục Xước.

Dù sao đó cũng là trưởng bối nên Trường Đình không thể bày sắc mặt cho bà ta xem.

Nhưng sau 10 năm này chỉ cần Phù thị chạm tới kiêng kị của Tạ thị, nhà mẹ đẻ của nàng thì nàng sẽ để Trần Ẩu đi hạ thể diện của Trường Ninh.

Chị gái xuất thân cao quý dạy dỗ em gái nhỏ cũng là tôn ti quy củ phải không?
Phù thị đau lòng con gái nhưng trong nhà môn phiệt lại không thịnh hành việc đấu đá bát nháo.

Bà ta nhịn mãi không được, nghẹn một lúc sau lập tức tới chỗ Lục Xước kể khổ.
“A Ninh hiện giờ bên trên có đại trưởng công chúa dạy dỗ, lại có biểu cữu cữu được coi như thánh nhân canh chừng, hơn nữa chúng ta còn đây thì làm gì cần A Kiều phải thường xuyên phái Trần Ẩu tới dạy dỗ nàng chứ? Tính nết của Trần Ẩu thô lậu, A Ninh sợ là sẽ phải chịu tủi thân…”
A Kiều là nhũ danh của Lục Trường Đình, là do mẹ đẻ của nàng đặt cho.
Lục Xước từ trước đến nay nuông chiều con gái cả, lại xưa nay không hỏi việc nội trạch nên chỉ cười một cái làm như không nghe thấy.

Nhưng Phù thị thút tha thút thít nức nở bức nên ông ta cũng chỉ có thể ngửa đầu suy nghĩ rồi nói, “Ta nhớ rõ bằng tuổi này trưởng tỷ cũng thích dạy dỗ ta, hay lấy thước đánh lòng bàn tay ta, còn không cho ta khóc…” Sau đó ông ta cười cười nhìn Phù thị nói, “Trần Ẩu là người cũ bên cạnh mẫu thân, cho dù A Kiều tuổi còn nhỏ không biết nặng nhẹ thì Trần Ẩu cũng biết tiến lùi, bà ấy sẽ không lấy thước đánh A Ninh đâu.”
Phù thị lập tức nín khóc, im bặt nhưng mặt mũi thì trắng bệch.
Nguồn gốc của Lục gia Bình thành có từ thời Đông Hán, từng người đều xuất sĩ, trong từ đường của tổ trạch rậm rạp bài vị của tổ tiên, tất cả đều được làm bằng gỗ nam tơ vàng.


Chúng nhuốm từng tầng bụi thời gian, lại cho thấy sức nặng của người họ Lục ở Bình thành.
Sĩ tộc và môn phiệt của Đại Tấn có hưng thịnh hay không đều lấy gia thế và công tích để so kè.

“Thượng phẩm thì không có nhà nghèo, mà hạ phẩm thì không phải sĩ tộc”, quan cửu phẩm của triều đình ngoại trừ mấy võ tướng lấy máu lập công trạng thì không có mấy người xuất thân thứ tộc.

À, còn quên mất một chuyện, Đại Tấn rất chú ý tới thanh danh lỗi lạc, chỉ chuộng trường bào như trúc xanh không chuộng võ đạo và đao kiếm.

Mà võ quan đa số cũng đều là con cháu thế gia kiêm chức.
Cả triều trên dưới chỉ tính người của bốn họ Thôi, Tạ, Lục, Vương đã đến 50 người.
Nếu có thế gia nào sụp đổ thì mọi người đều cảm thấy hả lòng hả dạ, quả thực là kẻ khóc người cười.
Phù gia có được thiên hạ này mới chừng 50 năm, tổ tông xuất thân là kẻ cướp, trên người còn nguyên mùi bùn đất tanh tao đến giờ còn chưa rửa sạch được.

Hiện giờ bọn thế nhưng cũng sẽ phẩm trà, xông hương coi như mình là quý nhân.

Nhưng các thế gia coi thường vẫn là coi thường, Ai Đế Phù Miễn cả đời cũng không cưới được con gái của một trong bốn họ chính làm Hoàng Hậu.

Hắn miễn cưỡng đành phải cưỡng cầu mà cưới cô nương của Cố gia Bành thành.

Mới chỉ thế mà hắn đã gõ chiêng gõ mõ ăn mừng ba ngày.
Hoàng đế còn như thế thì một kẻ như Phù thị ở Lục gia cũng không dám làm càn.


Chỗ dựa duy nhất của bà ta cũng giống của Chân Định trưởng công chúa, đó là họ Phù của bọn họ.
Đáng tiếc trò cáo trạng này khiến đại trưởng công chúa cũng bị kéo vào.

Trần Ẩu lại là người cũ bên cạnh bà ấy, đã hầu hạ được vài thập niên.

Tề Quốc Công phu nhân Tạ thị trước kia qua đời là lúc Trường Đình còn chưa đầy một tuổi.

Đại trưởng công chúa thương tiếc cháu mình nên mới để Trần Ẩu tới trấn thủ.
Lúc này Phù thị lại trong ngoài ghét bỏ Trần Ẩu, vậy không phải đang ghét bỏ đại trưởng công chúa sao?
Mà chuyện trong nội trạch dù được giấu kín cũng sẽ được lặng lẽ truyền ra với tốc độ cực nhanh.

Cuối cùng chuyện cũng tới tai đại trưởng công chúa.

Ngày hôm sau bà lập tức cho người tới ôm Lục Trường Ninh lúc ấy 4 tuổi đến bên người mình để giáo dưỡng.

Dù cho Phù thị khóc lóc đến tê tâm liệt phế cũng không có đường xoay chuyển.

Gia đình sĩ tộc tuyệt đối không cho người ta quyền đi nhầm một bước, cũng không có chuyện “quá tam ba bận”.

Phù thị là vô tâm hay lỡ lời hoặc suy nghĩ không thấu đáo thì cũng thế, đã làm sai thì không có cách nào bù đắp.

Phạm phải sai chính là nhân, đã gieo nhân ấy thì gặt được quả gì người ta đều phải chịu.

Đau mới nhớ kỹ, lần tới không được tái phạm nữa.

Nếu không có bản lĩnh che giấu sai trái ấy thì đừng có làm để người ta biết được.
Đây cũng là điều Lục Trường Đình được dạy dỗ từ nhỏ.
Xe ngựa “Lộc cộc lộc cộc” đi về hướng bắc.

Bách Tước quay người đi lấy lá trà trong rương ra sau đó nhanh tay gói vào vải gấm đỏ, buộc dây rồi bỏ vào tay áo.

Sau đó nàng ta thuần thục lấy từ trong hộp nhỏ một chút mật ong bỏ vào nước nóng, lại đặt xuống dưới thả chút hoa vụn vào đó.

Trong xe ngựa lập tức tràn ngập mùi hương hoa u tĩnh man mác.
Trường Đình nhẹ nhấp một ngụm trà hoa, nghĩ nghĩ rồi mới mở miệng hỏi, “Trần Ẩu đâu?”
“Sáng sớm bà ấy đã tới chỗ Đại lang quân rồi.” Bách Tước ngước mắt nhìn Trường Đình rồi khẽ cười nói, “Hẳn bà ấy cũng thuận đường đi thăm tam cô nương luôn.

Tam cô nương bệnh mới khỏi, Trần Ẩu rất giỏi nấu trà gừng táo đỏ nên đã mang qua đó.”
Nhị gia Lục Phân hộ tống Chân Định đại trưởng công chúa đi quá vội, lại vừa lúc Lục Trường Ninh ngẫu nhiên bị cảm phong hàn nên không đi được đường xa vì thế đành để lại chỗ Phù thị.

Chờ Lục Xước dẫn người đi nàng ta mới cùng đi theo.

Nhưng cháu gái để bên người nuôi dạy 4 năm nên đại trưởng công chúa cũng có tình cảm, lúc này mới lo lắng không yên.

Trần Ẩu là người có kinh nghiệm hầu hạ người khác, nên bà để người này chăm sóc coi chừng Lục Trường Ninh.

Trường Đình hiểu rõ nhưng vẫn có chút không vui mà thuận thế đặt chén trà “Loảng xoảng” lên bàn.

Nàng đang muốn mở miệng lại nghe thấy bên ngoài có tiếng vó ngựa chạy nhanh tới, gót sắt vang lên tiếng động cực gần, từ từ mà rõ ràng hơn.
Nhưng trong đám người này ngoại trừ gia chủ Lục Xước và vị hộ vệ chưởng thì còn ai dám phóng ngựa như điên thế này.

Lục Xước tự xưng là nhã sĩ nên tuyệt đối sẽ không lỗ mãng như vậy, hộ vệ chưởng lại càng không dám làm càn như vậy quanh xe của nữ quyến, như thế chỉ còn…
“Ca ca!”
Trường Đình hơi cong ngón út mà nhấc rèm xe lên một chút.

Nàng dựa vào vách xe rồi đè thấp tiếng cười và gọi một câu, “Ca ca, sao huynh lại tới đây?”
Gió thổi màn xe bay lên, từ khe hở nàng thấy một thiếu niên tuấn tú đang phóng ngựa tới gần.

Người này có khuôn mặt trắng nõn, mắt sáng, mũi thẳng, mặc một thân áo dài có hoa văn màu xanh đen.

Tay trái hắn khẽ cầm dây cương, tay phải cầm một cái roi nhẹ rũ xuống.

Thiếu niên mới 15,16 tuổi cưỡi con ngựa trắng đã để lộ phong thái thanh nhã phi phàm.
Đây là con trai cả của Tề Quốc Công Lục Xước, Lục Trường Anh.
Trường Đình cách màn xe thấp giọng cười hỏi, Lục Trường Anh ở bên ngoài nghe thấy thì cong eo cười rồi thấp giọng đáp lại, “Hướng đi Dịch thành đã bị loạn dân chặn mất, phụ thân để ta nói với muội nếu nghe thấy bên ngoài có tiếng động gì thì cũng đừng vén màn lên nhìn, cẩn thận bị kinh sợ.” Nghĩ nghĩ xong một hồi hắn lại giục ngựa đi tới gần hơn sau dó cong tay gõ gõ vách xe nói, “Trần Ẩu đi tới chỗ ta rồi, Bách Tước, ngươi phải chăm sóc cô nương đó.”
Bách Tước nửa quỳ trên mặt đất, vừa che miệng cười vừa đáp một tiếng.
Trường Đình cũng đáp một tiếng rồi nghĩ nghĩ rồi túm màn xe hỏi: “Vậy chúng ta không đi quan đạo nữa được không? Đi đường vòng có thể tới Dịch thành mà.

Nơi này mười dặm hoang vu, đi đường núi sợ không tới nơi trước khi trời tối mất.”



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện